“1…2…3…Dzô!!…2…3…Dzô!!” Chắc hẳn bạn đã quá quen thuộc với hình ảnh các bố, các mẹ, cô dì chú bác mình cạn ly “trăm phần trăm” mừng ngày vui của gia đình, hay đơn giản chỉ là bạn bè gặp mặt tán ngẫu với nhau rồi đúng không?
Cũng như người Việt mình, người Nhật cũng thích “nhậu” đó. Trong văn hóa Nhật Bản, “nhậu” rất phổ biến và quan trọng. Đặc biệt là tiệc rượu – 飲み会 (Nomikai). Hôm nay, để Michie bật mí cho bạn top 5 điều cần biết khi nhậu trong văn hoá làm việc của người Nhật nhé!
Mục lục
1. Nomikai là gì?
Từ “Nomi” có nghĩa là uống và “kai” có nghĩa là hội nghị hoặc họp mặt, do đó Nomikai có thể hiểu là tiệc rượu. Nomikai là phong cách tiệc rượu truyền thống của Nhật Bản, nơi mọi người có thể cùng nhau thưởng thức rượu và đồ ăn, thư giãn sau những giờ làm việc căng thẳng, thể hiện lòng tôn trọng, sự đoàn kết và giao lưu giữa các thành viên trong gia đình, bạn bè, đội nhóm hoặc trong mối quan hệ xã hội khác.
Nomikai là một phần quan trọng của văn hóa doanh nghiệp tại Nhật Bản, nơi sếp và nhân viên, đồng nghiệp có thể giao lưu và xây dựng mối quan hệ gần gũi hơn. Tuy nhiên, cho dù là bữa tiệc mọi người cùng vui vẻ tán ngẫu nhưng khi tham gia Nomikai, luôn có những quy tắc ứng xử và văn hóa cần phải tuân thủ nhằm tránh những sai lầm không đáng có. Ví dụ như không được uống quá nhiều, tôn trọng người chủ tiệc, không nên phát ngôn gây xúc phạm, v.v.
2. Top 5 điều cần biết khi tham gia Nomikai
2.1 Vị trí ngồi
Thông thường, người chủ trì bữa tiệc sẽ xác định vị trí ngồi của từng người tham dự. Tuy nhiên, nếu không có sự chỉ định, thì vị trí ngồi sẽ được xác định dựa trên độ tuổi và cấp bậc của từng người. Người có độ tuổi và cấp bậc cao hơn sẽ ngồi ở vị trí cao hơn hoặc gần vị trí của chủ tọa. Điều này thể hiện sự kính trọng đối với những người có chức vụ cao hơn, người lớn tuổi và người có thâm niên trong công việc.
Thường thì vị trí ngồi được sắp xếp thành một vòng tròn, trong đó chủ tọa sẽ ngồi ở vị trí trung tâm xa cửa ra vào nhất. Các vị trí ngồi ở phía trước chủ tọa được coi là vị trí quan trọng nhất, gọi là Jōza – 上座 và thường được dành cho người có địa vị xã hội cao.
2.2 Trang phục
Trang phục trong Nomikai phụ thuộc vào từng hoàn cảnh và mục đích của buổi tiệc. Tuy nhiên, vẫn có một số quy tắc cơ bản về trang phục mà người tham gia nên tuân thủ.
Ở những dịp quan trọng như các cuộc họp mặt đối tác hoặc các bữa tiệc chia tay, người Nhật thường mặc đồ công sở, như áo sơ mi, quần tây hoặc váy. Về màu sắc của trang phục, truyền thống Nhật Bản thường ưa chuộng màu đen và trắng, tuy nhiên màu sắc khác như xanh dương, xanh lá cây, đỏ và vàng cũng được sử dụng phổ biến. Tuyệt đối tránh mặc quần áo quá gợi cảm, trang phục phải gọn gàng, sạch sẽ và lịch sự. Nếu bạn không chắc chắn về trang phục thích hợp, hãy hỏi ý kiến của người tổ chức hoặc đồng nghiệp để tránh gây khó chịu cho người khác.
2.3 Quy tắc giao tiếp
Để tạo bầu không khí thoải mái, vui vẻ và thân thiện, người tham gia cần tôn trọng đồng nghiệp, cấp trên và khách mời. Giao tiếp lịch sự, tránh sử dụng từ ngữ thô tục, lời lẽ không đúng mực và tôn trọng ý kiến của người khác. Mỉm cười, chia sẻ, và thể hiện sự quan tâm đến người khác. Tránh nói chuyện về chính trị và tôn giáo bởi những chủ đề trên có thể dẫn đến tranh cãi không cần thiết. Nếu bạn nhận được quà hay có ai đó đã giúp đỡ bạn, đừng quên bày tỏ lòng biết ơn của mình bằng cách cảm ơn và gửi lời chúc tốt đẹp nhé. Luôn cẩn thận với những gì mình chia sẻ trong bữa tiệc nhé!\
2.4 Quy tắc ăn uống
Bạn nên chờ đến khi người chủ tiệc nâng ly và chúc mừng trước khi bắt đầu uống rượu. Bạn nên chờ những người có chức vị cao hơn, có thâm niên trong công việc uống trước. Khi nâng ly, bạn cũng nên để ý vị trí của ly, luôn đặt thấp hơn vị trí ly của họ. Luân để ý và rót đầy ly cho sếp hoặc đồng nghiệp kế bên bạn nhé! Đây sẽ là một điểm cộng cho sự quan sát tinh tế của bạn.
Uống rượu một cách chậm rãi, uống đủ và cố gắng kiểm soát lượng rượu uống để tránh gây ra những hành vi không phù hợp. Trong lúc nâng ly để chúc tụng hoặc cảm ơn, hãy chú ý đến người xung quanh và đừng bỏ sót ai nhé! Đặc biệt, bạn nên tôn trọng quyết định của người khác, không nên ép họ uống rượu vượt quá khả năng của bản thân.
Khi bắt đầu ăn, bạn nên bắt đầu với những món ăn nhẹ nhàng và tránh ăn quá nhiều một lúc. Người Nhật rất coi trọng tính sạch sẽ, đối với đồ ăn trong đĩa chung, bạn nên dùng đũa chung cho đĩa thức ăn đó để gắp. Khi ai đó đang nói chuyện, bạn nên dừng ăn và uống để tập trung lắng nghe họ nhé!
2.5 Lúc đi hết mình, lúc về vẫn không quên nhiệm vụ
Người Nhật nổi tiếng nghiêm túc, tỉ mỉ, có trách nhiệm cao với công việc. Họ có thể “cháy” hết mình cho bữa tiệc nhưng họ vẫn luôn tự nhắc bản thân “ngày mai vẫn phải đi làm”. Bởi vậy, bạn có thể thấy hình ảnh của họ tại bữa tiệc cũng như công ty hoàn toàn khác nhau.
“Sếp ơi hôm qua em uống quá chén, nay sếp cho em nghỉ nhé!”. Đây là điều tối kỵ phải tránh không chỉ khi làm việc tại Nhật. Nó thể hiện tinh thần trách nhiệm đối với công việc cũng như đối với bản thân chính bạn. Nếu bạn mắc phải sai lầm này, bạn rất dễ làm mất lòng sếp cũng như đồng nghiệp, vụt mất cơ hội thăng tiến trong công việc, thậm chí quay vào ô “mất lượt” (mất việc). Hơn nữa, bạn nên tránh nhắc lại những chuyện đã xảy ra tại bữa tiệc. Bạn nên tập trung cho công việc của mình vào hôm sau, nỗ lực hết mình bạn nhé! Đôi khi, sau khi kết thúc bữa tiệc sẽ có “tăng hai” đi hát karaoke hoặc đi bar, …Bạn có thể tham gia hoặc không vì đây là phần tự nguyện.
Nomikai là một phần không thể thiếu của văn hóa doanh nghiệp và đời sống xã hội của người Nhật, mang đến cho họ cơ hội để kết nối cũng như xây dựng, phát triển nhiều mối quan hệ tốt đẹp. Nhập gia tuỳ tục, Michie hy vọng trên đây là 5 bí quyết giúp bạn được lòng sếp, đồng nghiệp mến yêu. Và đừng quên Michie luôn sẵn sàng trở thành người dẫn đường, người bạn đồng hành của bạn trên con đường đi đến thành công! Liên hệ Michie ngày để biết thêm nhiều thông tin hữu ích về du học, làm việc tại Nhật Bản nhé!
Tham khảo thêm nhiều thông tin bổ ích về du học Nhật Bản tại đây.
—Mỹ Lu—
(10/01/2024)