Lễ hội Bảy Năm Ba là lễ hội truyền thống Nhật Bản thường được tổ chức vào ngày 15 tháng 11 hàng năm nhằm kỷ niệm sự trưởng thành của các em bé. Tên gọi “Shichi go san” có nghĩa là “Bảy, Năm, Ba”, thể hiện lứa tuổi của các bé tham gia lễ hội. Vì đây không phải là ngày nghỉ toàn quốc nên hầu hết các gia đình sẽ tổ chức lễ hội vào ngày cuối tuần gần nhất.
Nào bạn ơi, thắt dây an toàn, trên cỗ máy thời gian, để Michie đưa bạn về những năm tháng tuổi thơ khi bạn còn tấm bé, cùng Michie hoà mình vào không khí lễ hội truyền thống Nhật Bản độc đáo này nhé!
Mục lục
1. Nguồn gốc lễ hội
Có nhiều giả thuyết khác nhau về nguồn gốc lễ hội Bảy Năm Ba. Trong đó, có giả thuyết cho rằng lễ hội bắt đầu từ thời kỳ Muromachi (1336 –1573). Ngày xưa, tỷ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh cao đến mức người dân Nhật Bản quan niệm “ Đứa trẻ trước bảy tuổi là con của thánh thần” (七歳になる前の子は神の子). Bởi vậy, mọi đứa trẻ dưới 7 tuổi đều chưa được đăng ký hộ tịch, kể cả chết đi cũng không có giấy chứng tử. Chỉ từ khi đủ 7 tuổi, trẻ mới thực sự thuộc về thế giới con người và được đăng ký hộ tịch.
Có giả thuyết cho rằng lễ hội bắt nguồn từ thời kỳ Edo (1603 – 1868), lý giải tại sao lễ hội được tổ chức vào ngày 15 tháng 11. Vào ngày 15 tháng 11 năm Thiên Hoà thứ nhất (1681), tướng quân Tokugawa Iemitsu đã đến đền thần cầu nguyện sức khỏe cho đứa con trai 5 tuổi ốm yếu. Con trai Tokumatsu Tokugawa của ông lớn lên mạnh khoẻ, trở thành người kế vị sau này.
2. Ngày lễ Bảy Năm Ba diễn ra như thế nào?
Trong ngày lễ này, mỗi độ tuổi đều có trang phục riêng. Các bé gái 3 tuổi mặc kimono trễ vai và đeo thắt lưng dây, mặc một chiếc áo gi-lê được gọi là hifu. Các bé gái 7 tuổi mặc kimono có thắt lưng tròn. Các bé trai 5 tuổi mặc quần truyền thống hakama và áo khoác dài gọi là haori dài với nhiều hoa văn trang trí đẹp mắt. Tất cả các chi tiết của trang phục đều được thiết kế nhằm thể hiện sự trân trọng đối với văn hóa và truyền thống Nhật Bản, cũng như tôn vinh sự trưởng thành của trẻ em.
Các gia đình có trẻ lên 3 tuổi, 5 tuổi và 7 tuổi sẽ ăn mừng bằng cách cho trẻ mặc đồ truyền thống và đến thăm đền chùa. Trẻ sẽ nhận được những món quà chúc phúc như kẹo ngàn năm (千歳飴) tượng trưng cho sức mạnh, trường thọ và cùng gia đình chụp ảnh kỷ niệm. Tại các đền thờ, các gia đình có thể ngồi dự một buổi lễ đặc biệt, nơi nhà sư đọc lời cầu nguyện và ban phước lành, hoặc họ có thể dâng một món tiền nhỏ và cầu nguyện sức khoẻ cho trẻ.
3. Tại sao người Nhật quan niệm tuổi ba, năm, bảy đánh dấu những cột mốc quan trọng trong cuộc đời trẻ?
Nhật Bản xưa đã có những sự kiện riêng biệt dành cho trẻ lên ba, năm và bảy tuổi, chẳng hạn như lễ để tóc, mặc hakama hay cởi thắt lưng dây. Ngày nay, những sự kiện trên được kết hợp thành lễ hội Bảy Năm Ba. Có giả thuyết khác cho rằng khi lịch từ Trung Quốc du nhập vào Nhật Bản, số lẻ được coi là số dương, số chẵn được coi là số âm và năm số lẻ được coi là điềm lành.
Ba tuổi: Nghi lễ để tóc 「髪置き- Kamioki 」
Lễ để tóc là nghi lễ bắt nguồn thời Heian nhằm cầu nguyện cho sự phát triển khỏe mạnh của bé trai, bé gái 3 tuổi. Vào thời đó, trẻ trước 3 tuổi được cạo tóc nhằm ngăn ngừa bệnh tật và giúp tóc mọc khoẻ mạnh sau này. Khi đủ 3 tuổi, trẻ bắt đầu để tóc mọc tự nhiên. Theo phong cách Ogasawara (小笠原流), người ta sẽ phủ một lớp bột trắng lên tóc trẻ và dùng lược vuốt hai bên trái, phải mỗi bên ba lần nhằm cầu mong trẻ khoẻ mạnh, trường thọ cho đến khi tóc chuyển sang màu trắng tinh khiết.
Năm tuổi: Lễ mặc Hakama 「 袴着- Hakamagi」
Ban đầu lễ mặc Hakama chỉ được tổ chức trong cung đình thời Heian, sau đó dần lan rộng ra các gia đình samurai và thường dân. Thời đó, ngày lễ này còn dành cho các bé gái, nhưng từ thời Edo, nó dần chuyển sang ngày lễ chỉ dành cho bé trai. Khi các bé trai tròn 5 tuổi, lần đầu tiên bé được mặc quần truyền thống Hakama và đứng trên bàn cờ quay mặt về hướng may mắn. Đây là bước đi đầu tiên để các bé trai trưởng thành.
Bảy tuổi: Lễ mặc Hakama 「 帯解き- Obitoki」
Nguồn gốc của nghi lễ này rất lâu đời, có từ thời Kamakura (1185 – 1333), thậm chí có giả thuyết cho rằng các bé trai cũng thực hiện nghi lễ này. Từ thời Edo trở đi, nghi lễ này chỉ dành cho các bé gái lên 7. Các bé gái bắt đầu mặc trang phục có thắt lưng tròn thay vì thắt lưng dây dành cho trẻ dưới 7 tuổi, gần giống với kimono truyền thống Nhật Bản. Đây cũng là bước đi đầu tiên để các bé gái trưởng thành.
Ngày lễ này thật độc đáo phải không? Bốn mùa lễ hội, 12 tháng vui chơi, xứ sở Phù Tang còn rất nhiều ngày lễ truyền thống và những điều thú vị đang chờ bạn khám phá. Còn chần chờ gì nữa, liên hệ Michie ngay để được tư vấn và hỗ trợ nhé!
Tham khảo thêm nhiều thông tin bổ ích về du học Nhật Bản tại đây.
— Mỹ Lu —
( 13/03/2023 )